Đại hội KTS Thế giới lần thứ XX nhận định, đặc trưng của thế kỷ XXI là: thời đại ra đời nhiều học thuyết lớn mang tính chuyển đổi: từ xã hội công nghiệp đến xã hội hậu công nghiệp, từ thời đại Công nghiệp hóa tiến tới thời đại thông tin, từ thời đại cơ khí tới thời đại sinh mệnh, từ đóng kín cửa tiến tới toàn cầu hóa, từ chủ nghĩa tăng trưởng tiến tới học thuyết phát triển bền vững, từ “đô thị hóa” tiến tới “thế kỷ đô thị”; từ “thời đại kỹ thuật” tiến tới thời đại nhân văn….; thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối: sự phát triển chênh lệch các khu vực ngày càng lớn; nhận thức, tư duy lại vai trò của Châu Á như một vùng mới trỗi dậy, trong đó sự vươn lên của Trung Quốc, Ấn Độ trong nhóm 4-BRIC và của Việt Nam trong nhóm 11-Next; quy hoạch đô thị và kiến trúc phải đối mặt với những sự đổi thay lớn của thời đại về trật tự kinh tế, toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu toàn cầu…
Tóm lại, thời đại của chúng ta đang sống là một thời đại thay đổi lớn chưa từng thấy. Một thời đại cải cách chính trị, kinh tế, xã hội, một thời đại phát triển kỹ thuật. Đây cũng là một thời đại phục hưng văn hóa với tư tưởng linh hoạt. Bối cảnh này có tác động trực tiếp đến quy hoạch đô thị và kiến trúc Việt Nam, một thành viên của UIA và cộng đồng quốc tế.
Sau 25 năm đổi mới, mạng lưới đô thị Việt Nam không ngừng được mở rộng với trên 754 đô thị (2009),trong đó có 02 đô thị đặc biệt, 7 đô thị loại I, 14 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 40 đô thị loại IV, còn lại là các đô thị loại V. Các đô thị được chia thành 06 loại và 03 cấp quản lý, trong đó có 04 thành phố trực thuộc Trung ương); 82 thành phố, thị xã thuộc tỉnh (cấp huyện),còn lại là các thị trấn thuộc huyện (cấp xã). Dân số đô thị gia tăng với tốc độ chóng mặt, dân số nông thôn giảm dần từ 81% (1986) xuống 70% (2009).
Công tác xây dựng và phát triển đô thị nước ta trong 25 năm đổi mới đã đạt được những kết quả to lớn và có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Kinh nghiệm của Việt Nam không chỉ là bài học quí giá cho chính mình, mà còn có tác dụng đối với nhiều nước khác có điều kiện tương tự. Tuy nhiên, những tồn tại, yếu kém vẫn luôn hiện hữu, đó là:
– Nhận thức về đô thị hóa thiếu toàn diện: Một số địa phương cho rằng đô thị hóa là quá trình nông dân di cư vào đô thị, dân số đô thị gia tăng, qui mô đô thị mở rộng. Thực ra, dân số tập trung chỉ là đặc trưng bên ngoài của đô thị hóa. Sự thay đổi phương thức sản xuất mới là động lực căn bản, còn sự thay đổi phương thức sinh hoạt là hệ quả của đô thị hóa. Xu hướng biến tỉnh thành đô thị đang phổ biến ở một số địa phương.
– Xác định động lực phát triển của đô thị hóa còn phiến diện và duy ý chí trong quá trình thị trường thúc đẩy đô thị hóa phát triển, sự can thiệp của chính quyền là cần thiết, nhưng chỉ là sự can thiệp có hiệu quả, phù hợp qui luật khách quan của nền kinh tế thị trường, đảm bảo đô thị đúng là “hình chiếu của xã hội trên lãnh thổ”, chứ không phải là một mô hình nhân tạo, bị áp đặt bởi ý chí của chính quyền.
– Đẩy mạnh đô thị hóa bằng biện pháp tăng qui mô dân số đô thị: Việc phân loại, nâng cấp đô thị ở đa số các địa phương còn nặng về hình thức dẫn đến đảo ngược quan hệ nhân quả giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế. Động lực cơ bản của đô thị hóa là công nghiệp hóa, còn đô thị hóa phải là kết quả của công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã dùng mọi biện pháp để tăng qui mô dân số đô thị, không coi trọng đến công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Điều tất yếu sẽ dẫn đến kiểu “đô thị hóa giả tạo”.
– Đường lối đô thị hóa bị hiểu sai lệch
Khi nghiên cứu qui hoạch tổng thể xây dựng hệ thống đô thị trên địa bàn các tỉnh, chính quyền địa phương không quan tâm đến điều kiện của từng khu vực, nôn nóng muốn xây dựng hệ thống đô thị của địa phương mình vượt quá khả năng dung nạp và cơ sở kinh tế, dẫn đến đường lối đô thị hóa chủ quan, duy ý chí.
– Căn cứ vào các tiêu chí phân loại đô thị, nhiều địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng đô thị cốt để đảm bảo các tiêu chuẩn đô thị về mặt số lượng, để nâng loại, nâng cấp nhưng không chú ý đến chất lượng. Điều này dẫn đến quá trình phát triển đô thị theo kiểu “quảng canh”, cố tăng qui mô dân số và diện tích đất xây dựng đô thị, không coi trọng việc cải tạo, đổi mới và nâng cao chất lượng đô thị. Điển hình là Thủ đô Hà Nội, từ đô thị loại đặc biệt nay một số tiêu chuẩn chỉ đạt là đô thị loại V.
– Quyền lực quản lý Nhà nước quá lớn, nhưng trách nhiệm không rõ ràng: sự phối hợp liên ngành, liên cấp còn hạn chế. Những sai lầm của người hoặc cơ quan cấp có thẩm quyền quyết định không được làm rõ về trách nhiệm, do đó chỉ có người dân là phải gánh chịu hậu quả. Quản trị Nhà nước trong lĩnh vực qui hoạch đô thị chưa được coi trọng.
– Nội dung và phương pháp Quy hoạch đô thị – nông thôn chậm đổi mới: việc lập QHDT còn duy ý chí. Nội dung, phương pháp quy hoạch lạc hậu, trước những bối cảnh của thời kỳ chuyển đổi.
– Đầu tư xây dựng tràn lan không được kiểm soát: hệ quả là dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn, không bản sắc, khủng hoảng thừa, thiên nhiên, di sản bị tàn phá.
– Pháp luật trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị còn nhiều bất cập, nhất là Luật xây dựng, Luật quy hoạch đô thị gây trở ngại cho quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch.
Chiến lược xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI
Trong các thập kỷ tới của thế kỷ XXI, việc xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam phải được Nhà nước xếp vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhất, để chỉ đạo áp dụng hiệu quả các đối sách chiến lược.
Một số kiến nghị như sau:
- Ở cấp quốc gia, tăng cường phối hợp hành động các Bộ, tiến tới thành lập một cơ quan thường trực của Nhà nước có thể là Ủy ban quốc gia về phát triển, quản lý đô thị và môi trường.
Ở cấp địa phương, Ủy ban này cũng sẽ thay cho KTS trưởng để giúp chính quyền địa phương trong quản lý, phát triển đô thị và môi trường.
- Xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia hợp nhất đi đôi với việc cải cách thể chế:
Đối mặt những thách thức do biến đổi khí hậu toàn cầu, phân các vùng sinh thái tự nhiên cơ bản để khống chế các ngưỡng cân bằng sinh thái làm cơ sở bố trí dân cư phù hợp với khả năng dung nạp dân số mỗi vùng.
– Đáp ứng nhu cầu phát triển cho tương lai, chuẩn bị tốt các điều kiện kỹ thuật đất đai phục vụ tốt cho việc cải tạo, xây dựng đô thị theo các chỉ tiêu dự báo sau: thu nhập quốc dân hàng năm: 500 – 600 tỷ USD, bình quân 4000 USD/người/năm; bố trí khoảng 150 triệu dân số trong đó 70-80 % là dân đô thị sau năm 2050; chuẩn bị tốt điều kiện đất đai xây dựng đô thị cho 100 triệu dân. Năm 2007, tổng diện tích xây dựng đô thị là 390.914 ha, chiếm 1,8%, bình quân với qui mô dân số là 23,370 triệu người, bình quân 167m2/ người.
Nếu tính trung bình 150m2/ người thì quỹ đất cần chuẩn bị cho xây dựng đô thị vào giữa thế kỷ XXI sẽ là 1.500.000 ha chiếm 4% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc.
Theo tính toán của tác giả, tổng diện tích đất thuận lợi cho định cư ở Việt Nam chiếm 30% diện tích đất tự nhiên. Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tỷ lệ trên có thể giảm xuống còn 20%, tương đương 6,6 triệu ha trong đó vùng núi Bắc Trung bộ chỉ có khoảng 60.000 ha đất thuận lợi. Như vậy, mật độ xây dựng tại các vùng định cư có thể tăng lên 40% và mật độ cư trú cả nước sẽ là 450 người/km2. Tóm lại, phần lớn những khu vực thuận lợi cho định cư đều nằm trong các đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, vùng đồng bằng cổ, còn lại những vùng khác chiếm 70% – 80% diện tích đất cả nước, dung nạp hết sức hạn chế, chủ yếu giữ vai trò là bộ khung bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, phần lớn các vùng có điều kiện định cư tốt thì lại bị tác động của biến đổi vi khí hậu.
– Chuẩn bị cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất là nhà ở, công trình phục vụ công cộng, giao thông, cấp nước, thoát nước bẩn, xử lý ô nhiễm bảo vệ môi trường, cấp điện … cùng với 1 khối lượng vốn khổng lồ, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới là 1,7- 1,8 tỷ USD/năm (bằng 3,7 GDP của cả nước),nhưng thực tế nhu cầu vốn phải gấp 10 lần như vậy.
– Tổ chức lại lãnh thổ và qui hoạch hệ thống phân bổ dân cư thống nhất trên lãnh thổ Việt Nam và các vùng sinh thái, gắn việc xây dựng bộ khung bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường; tăng cường hình thức xây dựng các vùng đô thị lớn tập trung trên các vùng lãnh thổ có cơ cấu hợp lý, gắn sự phát triển đô thị với nông thôn.
– Xây dựng thể chế và giải pháp thực hiện chiến lược đô thị quốc gia hiệu quả.
- Xây dựng và phát triển các khu dân cư theo mô hình đô thị sinh thái, phát triển bền vững: Đô thị sinh thái là điểm dân cư được gắn bó một cách mật thiết và toàn diện với môi trường xung quanh (môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo).
Sau đây là kiến nghị về 9 nguyên tắc quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái phát triển bền vững:
Nguyên tắc 1: Vận dụng phương thức qui hoạch đô thị theo nhận thức mới về “qui hoạch đô thị là một quá trình”, bao gồm: quá trình nghiên cứu chiến lược phát triển đô thị bền vững; quá trình thiết kế triển khai, đảm bảo cho các giải pháp tối ưu; quá trình tổ chức thực hiện đảm bảo cho các mục tiêu qui hoạch đô thị khả thi và đạt chất lượng.
Nguyên tắc 2: Xác định đúng vị trí của đô thị trong các mối quan hệ hài hòa: đô thị – vùng; đô thị – thiên nhiên; đô thị – nông thôn; quá khứ – hiện tại và tương lai; dân tộc và hiện đại; kinh tế – xã hội – khoa học kỹ thuật và môi trường.
Nguyên tắc 3: Quy mô đô thị tối ưu phụ thuộc vào điều kiện cụ thể: quy mô đô thị là hàm số của khả năng dung nạp môi trường, chức năng đô thị (loại và cấp),cơ sở kinh tế, dân số, lao động, xã hội và đất đai.
Nguyên tắc 4: Lựa chọn hình thái tổ chức không gian theo điều kiện tự nhiên, địa thế. Quỹ đất xây dựng thuận lợi và đặc điểm phân bố dưới sự tác động của điều kiện tự nhiên, lịch sử và hình thái kinh tế xã hội là cơ sở chọn đất xây dựng và tạo lập các hình thái tổ chức không gian cho từng đô thị.
Nguyên tắc 5: Cơ cấu quy hoạch đô thị mềm dẻo, gắn với các vùng dân cư lãnh thổ. Xây dựng mô hình cấu trúc các đô thị mềm dẻo, gắn bó hài hòa các mối quan hệ hữu cơ, cho phép giải quyết tốt việc gắn kết giữa cấu trúc thiên nhiên với cấu trúc nhân tạo; giữa đô thị với nông thôn, giữa quá khứ với hiện tại…
Nguyên tắc 6: Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, bền vững. Khả năng chịu tải của đô thị phụ thuộc vào kết cấu hạ tầng cơ sở được xây dựng đúng quy hoạch, phục vụ cho diện rộng, các vùng quy hoạch đô thị và các khu chức năng, đảm bảo các nguyên tắc: Bền vững, tách biệt, chuyên môn hóa, khớp nối, sử dụng tập trung và đầu tư xây dựng quá độ, tùy thuộc vào nguồn lực và nhu cầu sử dụng của mỗi giai đoạn.
Nguyên tắc 7: Tăng cường sự tham dự của cộng đồng dân cư. Xây dựng và phát triển đô thị là ý chí, nguyện vọng của cộng đồng theo định hướng của Nhà nước phù hợp với quy luật thị trường. Quá trình nghiên cứu, thiết kế và thực hiện quy hoạch cần có sự tham dự của dân cư và đại diện của cộng đồng, để đô thị trở thành sản phẩm của dân, do dân và vì dân.
Nguyên tắc 8: Xây dựng và phát triển đô thị là một quá trình phải được kiểm soát chặt chẽ. Sự phát triển cá thể (các dự án, công trình riêng lẻ) phải tuân thủ các quy tắc chung của quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Không một ai có quyền cho trường hợp của mình là ngoại lệ tách ra ngoài vòng kiểm soát của pháp luật.
Nguyên tắc 9: Xây dựng thiết chế quan trắc, dự báo, phòng ngừa và ngăn chặn các biến đổi khí hậu, thiên tai và sự cố công nghệ có thể xảy ra.
- Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đào tạo các ngành của “Đô thị học” để có nhận thức và tầm nhìn đúng về đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI.
- Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế trong việc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực phát triển bền vững đô thị Việt Nam.
Phát huy vai trò và hoạt động của Hội KTS Việt Nam trong tổ chức UIA, UNESCO và sự phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Kết luận
Thế kỷ XXI là Thế kỷ đô thị; Thế kỷ mà nhân loại kế thừa những thành tựu to lớn về kiến trúc, phát triển đô thị của các thế kỷ trước, đặc biệt là thế kỷ XX, đồng thời cũng đang đứng trước những bước ngoặt lớn, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải cùng hợp tác để sinh tồn, đấu tranh cho sự phát triển bền vững các khu định cư.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam khẳng định đường lối phát triển đô thị bền vững là định hướng đúng đắn. Những thành tựu đô thị hóa ở Việt Nam trong 25 năm đổi mới là rất lớn. Bước sang thế kỷ XXI, để tiếp tục phát triển cao hơn, bền vững hơn, Việt Nam cần đối mặt với những tồn tại, yếu kém hiện nay và những thách thức, nguy cơ phát triển không bền vững của những thập kỷ tới, đó là: nguy cơ tụt hậu; sự biến đổi khí hậu toàn cầu; sự phát triển chệch hướng; năng lực quy hoạch và quản lý đô thị.
Trước thực tế đó, Việt Nam cần chỉ đạo áp dụng cương quyết các đối sách chiến lược gồm:
1- Thành lập Ủy ban quốc gia về phát triển, quản lý đô thị và môi trường;
2 – Xây dựng chiến lược phát triển đô thị quốc gia hợp nhất gắn với việc đổi mới các thể chế;
3 – Nghiên cứu đưa vào áp dụng các nguyên tắc quy hoạch, xây dựng và phát triển các khu dân cư theo mô hình đô thị sinh thái, phát triển bền vững;
4 – Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và đào tạo về đô thị hóa trong thế kỷ XXI;
5 – Tăng cường phối hợp các hành động cấp khu vực, quốc tế thông qua hợp tác quốc tế.
Nguồn: ST