Skip to content
Kỹ thuật làm đường kiểu McAdam
Tin tức

Kỹ thuật làm đường kiểu McAdam

John Loudon McAdam là kỹ sư đường bộ nổi tiếng người Scotland. Phát minh của ông đã có đóng góp rất lớn trong kỹ thuật làm đường, đó là việc sử dụng đá dăm làm vật liệu. Phương pháp làm đường này được đặt theo tên của ông - McAdam.

Phương pháp làm đường của McAdam

John Loudon McAdam sinh tại Ayrshire, Scotland năm 1756, mất năm 1836. Ông là con út trong gia đình có mười người con. Năm 14 tuổi, McAdam di cư sang Mỹ và làm việc vặt ở công ty của người chú họ theo di nguyện của người cha quá cố. Năm 1783, Mc Adam trở về quê và làm quản lý tại một trạm thu phí ở Ayrshire. 

Năm 1793, McAdam được làm đại lý vận tải cho hải quân ở toàn bộ các cảng khu vực miền Tây nước Anh. Công việc mới, lại đi xa khiến ông phải rời quê hương đến định cư tại Falmouth. Trong thời gian làm việc ở đây, McAdam nhận thấy các con đường ở Anh xuống cấp nhanh chóng do xe có trọng tải lớn thường xuyên qua lại. 

Ông quyết định nghiên cứu giải pháp chống xuống cấp, cải tạo mặt đường ngay trên địa phận mình quản lý. Ban đầu, McAdam bị nhiều lời dèm pha, dị nghị, mặc dù chi phí ứng dụng các giải pháp đều do ông tự bỏ tiền ra. Sau nhiều lần thử nghiệm, McAdam nhận thấy việc sử dụng loại vật liệu đá dăm sần sùi, sắc cạnh có kích cỡ nhất định và được sắp xếp một cách có hệ thống sẽ tạo thành một kết cấu có cường độ cao. Khi đó, đá dăm kết hợp với nước, bột đá trộn sẽ lèn chặt với nhau, tạo thành một vật liệu hỗn hợp vững chắc khi xây dựng các con đường. Vật liệu này, về sau được gọi là đá dăm Macadam.

Vào năm 1816, McAdam quyết định nâng cấp đoạn đường mà ông quản lý bằng vật liệu đá dăm nói trên. Bên cạnh đó, ông đã có phát kiến làm mặt đường có dạng khum lồi đảm bảo nước mưa thoát nhanh không cho thấm và phá hủy nền móng đường. Phương pháp này nhanh chóng được phổ biến rất rộng rãi trên thế giới. Nó đã được áp dụng ở Bắc Mỹ từ những năm 1830 và hầu hết các tuyến đường ở châu Âu có sử dụng phương pháp này từ những năm cuối thế kỷ 19. Các con đường hiện đại ngày nay vẫn sử dụng nguyên lý của McAdam.

 

Đường bộ Việt Nam với những ứng dụng vật liệu mới

Công nghệ và vật liệu thay thế là xu hướng phù hợp cho sự phát triển ngành xây dựng đường bộ trong tiến trình phát triển bền vững. Các công nghệ làm mới, duy tu, sửa chữa đường bộ được nghiên cứu, áp dụng theo hướng tăng độ bền, đơn giản thi công, thân thiện với môi trường và giảm giá thành.Quá trình phát triển tiếp theo của việc sử dụng đá dăm Macadam làm đường là người ta sử dụng hắc ín để gắn kết vật liệu này lại với nhau gọi là vật liệu "Tarmac" (Đá dăm trộn nhựa) - sau đó người ta đã sử dụng nhựa đường tưới lên trên để tạo một bề mặt đường tốt hơn.

Trong lĩnh vực xây dựng đường giao thông ở nước ta hiện nay, hầu hết các vật liệu làm mặt đường theo công nghệ truyền thống đều có công nghệ thi công phức tạp, trong quá trình thi công phải sử dụng nhiệt nên ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người lao động. Ngoài ra, cường độ làm việc của vật liệu đều phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và nhiệt độ trong quá trình khai thác. 

Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư là chủ trương của Bộ Giao thông Vận tải. Việt Nam đang ứng dụng vật liệu Carboncor Asphalt để làm mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa và duy tu các tuyến đường vừa đảm bảo kỹ thuật, giá thành, hạn chế tác động ảnh hưởng môi trường và xã hội. Carboncor Asphatl đã được sử dụng thành công ở trên 30 nước và đang được sử dụng vào thi công nhiều tuyến đường tại Việt Nam như quốc lộ 4B, quốc lộ 6, các tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn ở Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Lai Châu, Huế, Phú Yên... 

Vật liệu Carboncor Asphalt sử dụng 3 thành phần chính bao gồm: đá, sít than sau sàng (rác than thải ra sau khi tuyển than) và nhũ tương Carbon. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật như độ liên kết, độ nhám, độ bằng phẳng mặt đường và có tác dụng chống thấm, tính ưu việt nổi trội của sản phẩm này còn là dễ thi công, dễ vận chuyển nguyên liệu đến các vùng xa xôi hẻo lánh. Cùng một khối lượng như bê tông nhựa thông thường, nhưng loại vật liệu mới này tăng được 25% diện tích phủ mặt đường. Vật liệu này cũng không yêu cầu phải có lớp dính bám hoặc thấm bám mà chỉ cần sử dụng nước tưới ướt bề mặt trước khi thi công. Hiệu quả kinh tế còn có được nhờ việc có thể sử dụng lao động địa phương để thi công vì công nghệ đơn giản.

Đến nay, việc xây dựng các con đường đã trở nên hiệu quả, nhanh chóng và thân thiện với môi trường hơn bao giờ hết bởi những vật liệu mới ưu việt và nhiều công nghệ thi công hiện đại.

Nguồn: ST

5/5 (1 bầu chọn)